Cách tăng khả năng nhận diện chính xác mã vạch khi sử dụng ứng dụng đọc mã vạch

Cho dù bạn đang làm việc trong lĩnh vực bán hàng, quản lý thuốc hoặc lĩnh vực khác sử dụng mã vạch, bạn có thể sẽ bắt gặp những mã vạch không thể đọc được. Các nhà lập trình phần mềm chắc chắn có các mức kiểm soát về tính nhận diện chính xác mã vạch trong một ứng dụng. Nhưng, khi đến tay người dùng, dường như lại không có nhiều tùy chọn để cải thiện việc nhận diện mã vạch. Trên thực tế, người dùng vẫn có một số tùy chọn nhất định để cải thiện độ chính xác khi đọc mã vạch. Hãy tìm hiểu một số tùy chọn dưới đây nhé!

Độ phân giải hình ảnh

Việc nhận diện mã vạch hiệu quả tới mức nào phần lớn phụ thuộc vào chất lượng của hình ảnh mã vạch trong quá trình tạo mã vạch. Trên thực tế, có thể khẳng định rằng độ phân giải hình ảnh là yếu tố quan trọng nhất nếu muốn nhận dạng mã vạch chính xác.

Về cơ bản, máy quét mã vạch sẽ xử lý việc đếm các pixel trong một khu vực để xác định chiều rộng và vị trí của một thanh mã cụ thể. Vì vậy, bất cứ việc nào can thiệp vào quá trình này đều có thể ảnh hưởng đến độ chính xác khi nhận diện mã vạch. Thông thường, 200 dpi là độ phân giải tối thiểu để có thể nhận diện được mã vạch. DPI là viết tắt của các chấm trên mỗi inch. Trên một hình ảnh mà càng có nhiều chấm trên mỗi inch, thì hình ảnh đó có độ phân giải càng cao. Bạn cũng nên biết rằng độ phân giải càng thấp thì mã vạch sẽ càng thiếu mật độ pixel cần thiết để có thể nhận diện được chính xác. Vì vậy, nếu có tùy chỉnh về độ phân giải, hãy luôn đặt dpi ở mức cao nhất.

Nhìn chung, mã vạch 1D có thể hiểu được ít nhất 3 pixel trên mỗi thanh mã vạch mảnh nhất và khoảng cách giữa các thanh mã. Đối với mã vạch 2D, thường vào khoảng 5 pixel. Đôi lúc, dù độ phân giải được cài đặt phù hợp, mật độ pixel vẫn không được cải thiện. Điều này có thể do nhiều lý do: nhãn hoặc máy in chất lượng kém, v.v. Vì vậy, hãy kiểm tra tất cả các cài đặt thiết bị của bạn để đảm bảo DPI cần thiết.

Vị trí

Vị trí của mã vạch là vị trí thực trên một trang, một hộp hoặc một vật nào đó. Việc xem xét đến thói quen sử dụng của người dùng là khá quan trọng. Điều này là để đảm bảo rằng mã vạch không bị đặt ở những nơi dễ bị hư hại. Ví dụ, khi dán/ in mã vạch vào hồ sơ sức khỏe, tránh đặt mã vạch ở những nơi mà người dùng thường ghim với tài liệu khác.

Thông thường, phần mềm đọc mã vạch được sử dụng để quét toàn bộ bề rộng và bề dài (cao) của trang, hộp, v.v. để tìm mã vạch. Muốn quét mã vạch thành công thì một điều quan trọng là phải có “Quiet Zone” thích hợp. Quiet Zone là một khoảng trống hoặc là lề ở hai đầu của mã vạch. Khoảng trống này giúp máy quét mã vạch biết được mã vạch bắt đầu và kết thúc ở đâu. Tùy vào loại mã vạch mà người dùng chỉ định thông số khoảng trống khác nhau. Thường thì 1/8 inch (0,3175cm) là yêu cầu tối thiểu.

Máy quét mã vạch dựa vào khoảng trống này để xác định khu vực cần quét phục vụ cho việc giải mã mã vạch. Vậy nên điều cần thiết là giữ cho khoảng trống này sạch sẽ.

Những lỗi khác cần tránh

Các lỗi khác của mã vạch gồm những khoảng trống thừa hoặc các tạo tác (artifacts) xuất hiện trong những khoảng trống. Ngoài mất mực hoặc mực in sai chỗ, còn có thể do các vật lạ, như dấu bút, mỡ, keo, bụi bẩn, vv. In thừa mực hoặc in thiếu mực, cùng với các chất bẩn, có thể khiến máy quét mã vạch phát hiện sai thanh mã hoặc không phát hiện được thanh mã. Vì vậy, bạn có thể kiểm tra bằng mắt thường các mã vạch sau khi được in ra để đảm bảo các mã vạch có chất lượng tốt, không có tạo tác kể trên. Ngoài ra, nếu độ phân giải của mã vạch khi được in ra và độ phân giải trong cài đặt phần mềm không tương thích với nhau, thì nhận dạng mã vạch cũng không được chính xác. Vậy nên bạn cần xác định được độ phân giải của mã vạch sau khi in để cài đặt độ phân giải phù hợp cho máy quét.

Các lỗi khác làm cản trở việc nhận diện mã vạch có thể là mã vạch bị bao quanh hoặc che lấp bởi một vật thể/chất liệu. Chẳng hạn như nếu băng keo dán trên mã vạch không đủ độ trong, việc nhận diện mã vạch có thể bị ảnh hưởng. Về cơ bản, một máy quét mã vạch làm việc bằng cách đọc ánh sáng phản chiếu. Vậy nên, nếu ánh sáng phản chiếu từ vật thể không đủ rõ thì máy quét không thể nhận diện mã vạch chính xác. Nhưng ngược lại, nếu ánh sáng phản chiếu quá mạnh thì việc nhận dạng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Những vật mờ đục che phủ lên mã vạch có thể khiến ánh sáng phản chiếu bị yếu, còn những vật phản chiếu quá mạnh thì lại khiến ánh sáng phản chiếu bị sai lệch.

Nếu mã vạch được in trực tiếp trên hộp, bạn cần đảm bảo rằng chất liệu của hộp sẽ không gây ra lỗi. Chẳng hạn bao bì hoặc thiết kế của hộp có những màu tương phản cũng có thể trở thành một trong những tạo tác được kể ở trên và ảnh hưởng đến việc nhận dạng mã vạch.

Chất lượng máy in không đạt chuẩn cũng là một trong những nguyên nhân sinh ra tạo tác. Nếu bạn có kinh nghiệm sử dụng máy in phun thì chắc hẳn bạn đã từng bắt gặp lỗi này, đó là những chấm hoặc đường màu đen xuất hiện trên ảnh sau khi in ra. Giải quyết vấn đề này thì khá đơn giản, bạn chỉ cần vệ sinh đầu phun máy in hoặc thay mới phần cứng nếu cần.

Ngoài ra, độ tương phản của mã vạch cũng có thể ảnh hưởng đến việc nhận diện của máy quét. Nếu bạn in một mã vạch lên nhãn màu trắng mà có khoảng trống giữa các thanh mã không phù hợp và đặt nhãn này lên một hộp màu đen, thì phần rìa của nhãn trắng tiếp xúc với hộp màu đen có thể bị nhận diện sai thành vị trí bắt đầu của mã vạch. Vậy nên, khi in nhãn bạn cần cẩn thận và nhớ in mã vạch phù hợp, phần rìa có độ tương phản đủ để nhận diện.

Tóm tắt

Việc cải thiện khả năng nhận diện chính xác mã vạch không chỉ bao gồm các lập trình viên phần mềm hay các nhà sản xuất phần cứng, mà chính bạn, người dùng ứng dụng mã vạch cũng có thể chủ động nâng tầm hiệu suất của công nghệ đọc mã vạch.

Tổng quát lại, việc nhận diện mã vạch có chính xác hay không phần lớn phụ thuộc vào độ phân giải và nơi đặt mã vạch. Mặc dù những phần mềm đọc mã vạch phức tạp có thể giúp ích, nhưng điều quan trọng không kém là bạn nên áp dụng những mẹo đã được liệt kê chi tiết trên đây. Muốn gặt hái được kết quả tối ưu đòi hỏi sự hợp tác giữa người dùng với những nhà cung cấp phần mềm và phần cứng.

Nguồn: https://barcode.com

Người dịch: Leah Trinh

Bản quyền thuộc công ty Beetech. 

Related Articles

Tags cach nhan dien ma vach, cai thien kha nang nhan dien ma vach

local_phone arrow_upward