Tin mới
Những điều bạn cần biết trong tối ưu hóa công nghệ đọc mã vạch (Phần 1)
Công nghệ đọc quét mã vạch đã khẳng định được vai trò trong nhiều thập kỷ qua và việc sử dụng công nghệ này ngày nay vẫn không ngừng gia tăng. Công cụ đọc quét mã vạch đã được chứng minh là đem lại lợi ích trong việc:
– Sắp xếp và quản lý đầu vào dữ liệu
– Theo dõi hàng đã bán, hàng tồn kho và các thông tin liên quan.
– Nâng cao hiệu quả hoạt động.
– Khắc phục lỗi do con người hoặc lỗi dữ liệu.
Ngày càng có nhiều nhà quản lý hệ thống và ứng dụng hướng đến sử dụng mã vạch. Tuy nhiên, một khi bạn chọn hướng quản lý này, có thể bạn sẽ khá ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng trên thị trường tồn tại rất nhiều loại mã vạch khác nhau.
Ngoài ra, mặc dù mã vạch được sử dụng rộng rãi bởi tốc độ và hiệu năng, nó cũng tiềm ẩn rất nhiều trở ngại về kỹ thuật và các vấn đề có thể dẫn đến tình trạng “bottleneck” (nghẽn cổ chai) và trở nên không hiệu quả. Nếu bạn có thể nắm được những điều cơ bản cần có khi triển khai công nghệ đọc mã vạch, bạn sẽ có thể dễ dàng hưởng được lợi ích từ công nghệ này.
Công nghệ quét mã vạch hoạt động như thế nào?
Quy trình công nghệ đằng sau máy quét mã vạch tuy nói là phức tạp nhưng cũng có thể hiểu một cách đơn giản:
Phần mềm đọc mã vạch sẽ quét toàn bộ khổ rộng của mã vạch được chụp để nhận dạng mã vạch. Sau khi quét mã vạch, phần mềm này sẽ giải mã và trình chiếu thông tin được mã hóa. Bên cạnh đó, do mức độ sử dụng rộng rãi các thiết bị di động hiện nay, camera trên điện thoại cũng được sử dụng trong chụp ảnh mã vạch để xử lý và giải mã mã vạch.
Có 2 loại mã vạch chính:
- Mã vạch 1D bao gồm các vạch đen dọc trên nền trắng. Các vạch này có độ rộng khác nhau và được cách khoảng khác nhau để tạo nên các mã vạch riêng biệt.
- Mã vạch 2D bao gồm các mã hình vuông hoặc hình chữ nhật có hai chiều. Cũng như mã 1D, loại mã này thường là màu đen tương phản trên nền trắng.
Nhìn chung, mã vạch 2D lưu trữ nhiều dữ liệu hơn và hỗ trợ bộ ký tự lớn hơn mã vạch 1D.
Bước 1: Xác định vị trí của mã vạch.
Bước 2: Trích xuất thông tin được mã hóa từ mã vạch.
Mã vạch được ứng dụng ở đâu?
Mã vạch được sử dụng trong vô số ứng dụng và vô số lĩnh vực từ kế toán / tài chính, Nhà nước, y tế, công nghiệp, hàng tồn kho, bán lẻ, vận chuyển, v.v. Dưới đây là một vài ví dụ thực tế.
Kế toán
Tổ chức quốc tế phi lợi nhuận, Hội Chữ thập đỏ Đức đã từng mong muốn có được một công cụ quét mã vạch, có thể sử dụng trong kế toán để cải thiện hiệu suất nhờ việc tự động hóa một số tác vụ nhất định. Họ muốn rằng có thể bắt đầu công cụ này, sử dụng nó để đọc dữ liệu từ mã vạch và tự động đổi tên các tệp PDF liên kết thành dạng giống như mã vạch.
Nghiên cứu khởi đầu với việc xây dựng công cụ trong phạm vi nội bộ. Sau đó, nhóm nghiên cứu nhanh chóng nhận ra việc tạo một ứng dụng quét mã vạch từ con số 0 sẽ vô cùng tốn thời gian, hạn chế về tài nguyên và tốn kém.
Ngày nay, việc bổ sung mã vạch được sử dụng để tăng tốc độ xử lý hóa đơn và thanh toán liên quan.
Chăm sóc sức khỏe
Mã vạch được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ trong quá trình phân phát thuốc và xác thực tính bảo mật, mẫu bệnh phẩm, v.v.
Mã vạch cũng có thể được sử dụng để theo dõi các thiết bị bệnh nhân được cấp. Điều này có 2 mặt lợi ích. Đó là vừa có thể theo dõi bệnh nhân được cấp thiết bị nào và vừa có thể theo dõi người nào quản lý thiết bị đó, có thể là bác sĩ, y tá hoặc nhân viên khác. Mã vạch cũng cung cấp thông tin nhà cung cấp hoặc nơi sản xuất. Đây là những điều khá hữu ích cho EHR (Hồ sơ sức khoẻ điện tử), giúp cho việc quản lý dịch vụ chăm sóc bệnh nhân tốt hơn và có thể biết được các đơn vị cung cấp thiết bị và giao dịch của 2 bên.
Bán lẻ
Một số cửa hàng đã tự phát triển hệ thống mã vạch của mình bằng cách xây dựng và tích hợp các ứng dụng có khả năng tự xác nhận đơn hàng. Khách hàng có thể mua hàng bằng điện thoại di động khi đang ở trong cửa hàng, chỉ cần quét mã vạch là có thể biết thông tin sản phẩm và mua món hàng đó. Thông tin sản phẩm khá phong phú từ mô tả sản phẩm, cho đến đơn giá, nơi xuất xứ, v.v.
Thiết lập quét này thường được thực hiện bằng cách sử dụng bộ công cụ phát triển phần mềm mã vạch (SDK) để cho phép quét mã vạch qua điện thoại thông minh. Bằng cách cho phép khách hàng tự thêm sản phẩm vào giỏ hàng ảo khi mua sắm, nhà bán lẻ có thể loại bỏ tình trạng khách hàng phải xách theo giỏ hàng lỉnh kỉnh khi thanh toán tại quầy.
Đối với các nhà bán lẻ, điều này cũng có thể cho phép thu thập dữ liệu phong phú phục vụ cho mục đích tiếp thị. Thói quen mua sắm của khách hàng có thể được sử dụng để tối ưu hóa trải nghiệm tốt hơn, gồm các trải nghiệm dựa trên sản phẩm, chẳng hạn như giảm giá cho các lần mua hàng tiếp theo đối với các sản phẩm đã mua trước đó, hay giúp cho việc tiếp thị đúng thời điểm hơn, chẳng hạn biết được thời gian nào để gửi các thông báo mới hoặc thông tin khuyến mãi qua email mà có thể tăng khả năng khách hàng tới mua hàng nhất.
Nguồn: https://barcode.com
Người dịch: Leah Trinh
Bản quyền thuộc công ty Beetech.